Chuyện cổ Phật gia: Vì sao đệ nhất thần thông Mục Kiền Liên lại không dùng phép thuật để giải trừ tai họa?

Ai cũng biết, trong số tất cả các đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì Thần thông của ngài Mục Kiền Liên quả thật là không người nào có thể so sánh được. Bất cứ việc gì, dù khó khăn đến đâu, hễ tôn giả Kiền Liên vận dụng đến thần thông thì ngay lập tức đều có thể giải quyết được.

Mặc dù vậy, việc sử dụng thần thông chỉ hữu hiệu đối với cứu độ chúng sinh hay làm phương tiện cho để tuyên dương Phật pháp, chứ không thể sử dụng nó để làm những việc trái ngược với thiên lý và các luật tắc nhân quả. Thần thông không xóa bỏ được nghiệp báo, cũng không thể giúp giải thoát được phiền não, sinh tử; đó là sự thật.

Tôn giả Mục Kiền Liên dùng thần thông cứu người tại quê hương đức Phật

Chuyện kể rằng một ngày kia, quê hương Ca Tỳ La Vệ của đức Phật bị vua Lưu Ly (Virudhaka – Vidudabha) của nước Kiều Tát La dẫn đại quân xâm lược. Nghe được tin ấy, lúc đầu đức Phật cũng nghĩ đến việc phải bảo vệ người dân nơi quê hương trần thế của mình. Ngài bèn ngồi ngay trên đường tiến quân của vua Lưu Ly có ý cản trở việc binh đao này. Đã ba lần như vậy, cứ trông thấy đức Phật thì vua cho lui quân, nhưng cái tâm khát khao chinh phạt cũng như ý chí muốn trả mối cựu thù bang quốc của nhà vua thì không gì có thể hóa giải được.

Đức Phật dùng phép quán chiếu và biết rõ là mối nhân quả nghiệp báo ràng buộc giữa hai bộ tộc từ lâu đã đến lúc phải được kết thúc, nếu không thì không thể nào thanh lý được. Bởi vậy, dù rất yêu mến quê hương, và đã ba lần xả thân cản trở đạo quân xâm lăng, nhưng cuối cùng thì Ngài cũng đành phải phó mặc cho vua Lưu Ly tấn công thành Ca Tỳ La Vệ.

Đức Phật dùng phép quán chiếu và biết rõ là mối nhân quả nghiệp báo ràng buộc giữa hai bộ tộc từ lâu đã đến lúc phải được kết thúc. (Ảnh: Steemit)

Nhưng Mục Kiền Liên thì không chịu như vậy. Khi biết tin thành Ca Tỳ La Vệ đã bị đại quân của vua Lưu Ly bao vây, tôn giả liền bạch với đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Thành Ca Tỳ La Vệ đang bị tấn công, con nghĩ là mình phải ra sức cứu giúp nhân dân trong thành.

Đức Phật nhìn Mục Kiền Liên, giọng từ bi bảo:

– Này Mục Kiền Liên! Bộ tộc Thích Ca đã đến lúc phải chịu quả báo của những tội nghiệp đã gây ra từ bao đời trước. Đó là nghiệp của hết thảy chúng sinh trong thành cộng hưởng mà nên, thầy không thể nào chịu thay cho họ được. Họ đã không biết sám hối tội lỗi, không chịu sửa đổi những sai lầm cũ và ngăn ngừa những nghiệp xấu mới, mà vẫn cứ một mực kiêu ngạo, ngang tàng, tranh đấu. Dĩ nhiên, cũng giống như một ngôi nhà, nếu đã bị mối mọt đục cho mục nát thì ắt sẽ bị sụp đổ!

Nghe lời dạy của đức Phật, Mục Kiền Liên biết đó là sự thật không thể thay đổi, nhưng tôn giả vẫn nghĩ là có thể sử dụng thần thông của mình để cứu được một phần dân chúng trong thành. Vua Lưu Ly dùng hàng trăm ngàn quân để bao vây thành, một giọt nước cũng khó mà chảy lọt qua, huống nữa là người; cho nên Mục Kiền Liên phải dùng thần thông bay vào bên trong thành Ca Tỳ La Vệ.

Vào thành rồi, tôn giả bèn chọn lấy năm trăm nhân vật ưu tú của bộ tộc Thích Ca, ngài lại vận dụng thần thông mà thâu nắm họ trong lòng bàn tay rồi lập tức bay ra khỏi thành. Đến một nơi thật an toàn, tôn giả bèn mở lòng bàn tay ra, tưởng là đã cứu thoát được năm trăm người này. Nhưng hỡi ôi, khi nhìn vào tay mình thì Mục Kiền Liên mới hoảng kinh thất sắc, tất cả năm trăm người trong bàn tay ngài đều biến thành tro bụi! Lúc bấy giờ tôn giả mới sực tỉnh ngộ, lời Phật dạy quả không sai, dù thần thông có quảng đại đến thế nào đi nữa, cũng không thể thắng được nghiệp lực cùng những quy luật nhân quả nghiệp báo.

Nhưng hỡi ôi, khi nhìn vào tay mình thì Mục Kiền Liên mới hoảng kinh thất sắc, tất cả năm trăm người trong bàn tay ngài đều biến thành tro bụi. (Ảnh: PxHere)

Không vận dụng thần thông, Tôn giả Mục Kiền Liên nhập niết bàn để hóa giải ân oán

Ngài Mục Kiền Liên thường sử dụng thần thông để trợ lực đức Phật trong việc hoằng dương Phật pháp, công đức thật lớn lao. Mặc dù vậy, từ lâu đức Phật vẫn thường răn dạy chúng đệ tử rằng thần thông không phải là mục đích và tiêu chí của người tu luyện. Sự thật đã chứng minh tôn giả Mục Kiền Liên vốn là bậc thần thông quảng đại như vậy, nhưng rốt cuộc công phu thần thông đệ nhất của ngài đã không giúp tôn giả thắng được nghiệp báo của chính mình. Đức Phật muốn dùng câu chuyện điển hình này để răn dạy người đời sau.

Chuyện kể tiếp rằng: tuy tuổi tác mỗi ngày một cao, nhưng tinh thần hộ giáo hoằng Pháp của tôn giả Mục Kiền Liên vẫn càng lúc càng sung mãn, bước chân hành hóa của ngài cứ như nước chảy mây trôi, không bao giờ ngưng nghỉ. Tôn giả không để ý rằng, chính vì cái nhiệt tâm truyền bá Phật pháp ấy mà đã có rất nhiều tu sĩ ngoại đạo hiềm khích, đố kị và muốn hãm hại ngài.

Một ngày kia trên đường hoằng hóa, khi đi ngang qua một khe núi thì Mục Kiền Liên bị một đám tu sĩ ngoại đạo phái Lõa Hình phục kích. Họ đã xô đá từ trên núi xuống để hãm hại ngài. Đá lăn xuống tới tấp, đè vào người tôn giả, rồi hàng trăm kẻ ác lao tới đâm chém, cho đến khi nhục thân của ngài nhừ nát, ngã gục. Mục Kiền Liên đã phải chết dưới bàn tay họ, vậy mà trong ba ngày liên tiếp những kẻ hành ác vẫn không dám trở lại gần nơi đó, vì vẫn còn sợ thần lực của ngài.

Tôn giả Mục Kiền Liên vì công việc hoằng dương Phật pháp mà đã bị những kẻ ngoại đạo đố kỵ rồi hãm hại, ngài đã vì hậu thế mà nêu lên tấm gương hy sinh vì đạo, thì nhục thân của tôn giả quả thực đã trở thành một tuyên ngôn bất hủ để lại cho thế gian. Máu của ngài đã không đổ ra một cách vô ích, mà dưới ánh quang huy của đức Phật, bao nhiêu vị tiên hiền thánh triết, cũng vì công cuộc hoằng pháp lợi sinh, đã noi theo tôn giả Mục Kiền Liên mà chẳng quản nguy nan lưu truyền Phật Pháp để cho ánh sáng chân lý vẫn tỏa chiếu bất diệt ở thế gian.

Mục Kiền Liên bị một đám tu sĩ ngoại đạo phái Lõa Hình phục kích. (Ảnh: wikiwand.com)

Tin tức tôn giả Mục Kiền Liên bị ngoại đạo ám hại chẳng mấy chốc được truyền đến hoàng cung, vua A Xà Thế bị chấn động mạnh. Nhà vua nổi giận tột cùng, liền hạ lệnh tức tốc tìm bắt hung thủ, và hậu quả tàn khốc đã xảy ra – dưới cơn giận mãnh liệt của nhà vua, đã có đến mấy ngàn tu sĩ phái Lõa Hình bị bắt ném vào hầm lửa!

Trong tăng đoàn thì toàn thể chúng đệ tử, không ai là không than khóc tiếc thương. Ai cũng bảo là trên đời sao có nhiều việc quá bất công, một vị tôn giả xuất đại thần thông như Mục Kiền Liên mà đã không tránh được cuộc tập kích của vài trăm kẻ ngoại đạo! Lòng họ cứ day dứt mà không sao giải tỏa được, bèn cùng nhau tìm đến bái kiến đức Phật để xin chỉ dạy:

– Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên của chúng con là vị đại đệ tử của Thế Tôn. Khi Thế Tôn lên thiên cung nói pháp cho lệnh bà Ma Da (Mahamaya), sư huynh chúng con đã từng đáp ứng lời thỉnh cầu của chúng con mà từng sử dụng thần thông lên tận thiên cung để vấn an Thế Tôn; sư huynh chúng con cũng đã từng vào chốn địa ngục để cứu mẹ thoát khỏi đau khổ. Sư huynh chúng con oanh liệt là thế, thần thông quảng đại là thế, vì sao mà đã không dùng thần thông để chống lại những kẻ ngoại đạo, thậm chí cũng không trốn tránh sự ám toán của họ?

Vì đã quán triệt được mọi việc xảy ra, đức Phật mới ôn tồn giảng giải cho các Tỳ kheo:

– Này các con! Đại đức Mục Kiền Liên là người đệ tử có thần thông đệ nhất của Như Lai, không phải là ngài ấy không biết trước chuyện gì sẽ xảy đến với mình; cũng không phải là ngài ấy không thể kháng cự nổi những quý vị tu sĩ ngoại đạo kia. Là vì lúc trước, khi vua Lưu Ly dẫn đại quân xâm lăng thành Ca Tì La Vệ, thì chính đại đức Mục Kiền Liên đã từng có lần thi triển thần thông những tưởng có thể cứu được nhân dân trong thành, nhưng rồi sự việc bất thành, ngài ấy đã tỉnh ngộ và nhận ra rằng thần thông không thể nào chống trả được nghiệp lực, nhục thể chỉ là vô thường, và nhân quả nghiệp báo phải có lúc được kết thúc. Trong tiền kiếp đại đức đã từng làm nghề đánh bắt cá để nuôi thân, chẳng biết đã có bao nhiêu mạng sống bị chết oan bởi bàn tay của ngài!

Nhưng này các con! Mọi người cũng không nên đau buồn, đại đức Mục Kiền Liên tuy đã nhập niết bàn, nhưng chân lý thì vẫn vĩnh viễn không bao giờ bị tiêu diệt.

Một số đông Tỳ kheo vẫn không dằn được bi thương, nói:

– Nhưng sư huynh chúng con bị hại thảm thiết quá, bạch Thế Tôn! Chúng con không an tâm được!

Lời khai thị của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm cho toàn thể các đệ tử của Ngài vô cùng cảm động. (Ảnh: thebuddhadhamma)

– Này các con! Mọi người nên biết, đối với bậc giác ngộ thì việc sinh tử không là vấn đề gì cả. Có sinh thì có tử, cho nên cái chết không làm cho ta kinh hoàng sợ sệt. Điều thiết yếu là chúng ta xem có thể học hỏi gì từ cái chết đó. Đối với đại đức Mục Kiền Liên, trong phút lâm chung, thần trí không hôn mê mà đã an nhiên tự tại nhập niết bàn, đó là điều rất quý báu; đến như tinh thần hi sinh thân mạng vì công cuộc hoằng dương Phật Pháp của đại đức thì quả thật là cao đẹp vô cùng!

Lời khai thị của đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm cho toàn thể các đệ tử của Ngài vô cùng cảm động. Cái chết vì đạo của Mục Kiền Liên đã khích lệ vô số các vị Tỳ kheo khác. Tất cả họ đều noi theo gương Tôn giả Mục Kiền Liên mà phát nguyện hoằng dương Phật Pháp và tinh tấn tu luyện thường hằng cho tới ngày công thành viên mãn.

Lời bàn:

Xưa nay những kẻ ngộ tính kém thì vẫn luôn khao khát tu xuất công năng đặc dị hoặc thần thông diệu pháp để thi triển với đời và chiếm phần lợi thế. Đâu có biết rằng Phật gia từng tuyên giảng thần thông là sản phẩm tất yếu của quá trình tu luyện và chỉ khi người ta có tâm tính, phẩm đức ở cảnh giới rất cao siêu, lại phải có minh Sư dẫn dắt, Đại Pháp cao thâm chỉ đạo, diễn hóa thì mới có thể tu xuất thần thông… Những bậc đại đức, tâm tính cao như vậy hẳn sẽ không có ai hồ đồ mà tùy tiện vận dụng thần thông vào những sự việc trái với thiên lý và đi ngược lại quy luật nhân quả nghiệp đức thường hằng.

Tôn giả Mục Kiền Liên trong câu chuyện cũng đã từng thi triển thần thông để cứu năm trăm chúng sinh nơi quê hương đức Phật nhưng kết quả hoàn toàn không như ngài mong đợi, bởi lẽ thần thông không thể hóa giải được tội lỗi và nghiệp lực ở tự thân của mỗi người, càng không thể trái với thiên lý mà làm đảo lộn các mối quan hệ nhân duyên, nghiệp báo nhân quả… muốn hóa giải được những vấn đề phức tạp kể trên thì chỉ có tu luyện trong Chính Pháp, đề cao tâm tính, hồi thăng đạo đức, đó mới là giải pháp căn bản.

Tôn Ngộ Không có phép “Cân đẩu vân” đi mây về gió, hoàn toàn có thể mang sư phụ Đường Tăng bay đến Tây Thiên chỉ trong nháy mắt. Nhưng bốn thầy trò vẫn phải bôn ba trên suốt lộ trình, vật lộn với 81 kiếp nạn dưới hạ giới. (Ảnh: Youtube)

Thiển đàm về thần thông và tu luyện, lại nhớ đến nhân vật Tôn Ngộ Không – Tề Thiên Đại Thánh khi xưa có bảy mươi hai phép biến hóa thần thông, trong đó có thuật “Cân đẩu vân”, chỉ cần nhào lộn một vòng trên mây đã có thể bay xa mười vạn tám nghìn dặm (tương đương khoảng 54 nghìn ki-lô-mét).

Nếu như Ngộ Không dùng phép “Cân đẩu vân” này mà cõng Đường Tăng bay sang Tây Trúc thỉnh kinh thì  “khỏe” quá rồi, đúng là: cập bến Tây Thiên chỉ trong nháy mắt! Bốn thầy trò khỏi phải nhọc công tốn sức trèo núi lội sông, vượt đường xa vạn lý, chịu cảnh ăn đói mặc rét, màn trời chiếu đất lại thêm bao phen bị yêu quái hãm hại, cứ như thế mà trải qua đủ tám mươi mốt kiếp nạn… gian khó, hiểm nguy cùng cực. Đó cũng là vì thần thông không hóa giải được nghiệp lực, bốn thầy trò Đường Tăng cũng phải kinh qua gian khổ mà đề cao tâm tính, tiêu trừ nghiệp lực của tự thân thì mới có thể công thành viên mãn được. Đó chính là đạo lý.

Như tôn giả Mục Kiền Liên là đấng giác ngộ, với thần thông siêu xuất, ngài thừa biết trước chuyện gì sẽ xảy đến với mình, cũng lại có thừa khả năng để trừng trị hết thảy những kẻ tà ác đang xuống tay hãm hại mình, nhưng bậc đại đức đã không làm thế. Ngài lựa chọn con đường nhập niết bàn mà hóa giải ân oán và để lại tấm gương hoằng dương Phật Pháp cho muôn đời sau. Một người tu luyện thấu triệt đạo lý như vậy: nghĩ cho người trước, nghĩ cho mình sau, từ bi vô lượng, lấy đức báo oán, dùng Thiện đãi người, xả bỏ sinh tử… thì cớ gì không siêu xuất khỏi thế gian mà viên mãn quả vị Thần thánh cho được.

Đường Phong

Các bài viết khác