Chuyện cổ Phật gia: Vì sao người tu luyện không dùng thần thông để hóa giải ân oán?

Truyền thuyết có kể lại rằng: Trong số 10 vị đại đệ tử thần thông siêu việt của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì ngài Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là hai nhân vật xuất sắc nhất…

Nói đến thần thông của Mục Kiền Liên và trí huệ của Xá Lợi Phất thì ai ai cũng đều phải công nhận rằng không có vị đệ tử nào khác có thể so sánh với hai ngài được. Chính đức Phật cũng thường hay khen ngợi những thành tựu thù thắng ấy của hai vị đại đệ tử này.

Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất cũng là bạn đồng đạo gắn bó thân thiết với nhau từ lâu, thường cùng nhau đi lại trong những cảnh giới cõi trời, cõi người và cả cõi địa ngục hay súc sinh… trong Tam Giới, vận dụng thần thông và trí huệ của mình để giải cứu những người đang gặp khổ nạn và giáo hóa cho những chúng sinh mê lạc.

Có một hôm, hai vị đi tới địa ngục Vô Gián, nhiệt độ trong ngục rất cao, giống như một lò than hồng, ngọn lửa bốc lên ngùn ngụt, hơi nóng từ vạc dầu sôi tỏa ra không ngừng, bao phủ cả địa ngục. Những người chịu tội hình thì ngày đêm kêu la, rên xiết, tiếng khóc than nổi lên không dứt. Cảnh tượng vô cùng thảm khốc và ghê rợn. Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thấy động lòng từ bi bèn hóa phép tưới nước mưa pháp thanh tịnh cho họ, nhưng hình phạt trả nợ ác nghiệp thống khổ của họ cũng chỉ tạm dừng được trong chốc lát.

Lúc ấy hai vị thấy có một tội nhân hình người mặt quỷ rất kinh sợ, thân hình to lớn kệch cỡm, còn cái lưỡi thì vừa rộng vừa dài, bên trong miệng lưỡi lại có 500 lưỡi cày bằng sắt nung đỏ cày ở đó như cày trên một thửa ruộng hoang khiến cho miệng lưỡi nát te tua, máu tươi từ lưỡi nhỏ xuống từng dòng, cảnh tượng khiếp sợ cùng cực.

Cảnh tượng ở địa ngục Vô Gián. (Ảnh: strava.com)

Người tội nhân ấy vừa thoáng trông thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thì mừng rỡ như bắt được báu vật, vội vàng chạy đến khẩn cầu:

– Bạch hai vị tôn giả, con tên là Bộ Lợi Nã, lúc còn sống con là bậc thuyết giả chuyên đi truyền bá những tích thuyết vô thần và phỉ báng Phật Pháp nên hôm nay phải chịu khổ báo này. Nếu như hai vị có đi qua Nam Thiệm Bộ Châu, xin hãy mở lòng từ bi mà nhắn với các môn đồ của con, bảo chúng rằng: đừng có trong vô minh mà chối bỏ, phủ nhận các đấng tối cao, cũng đừng dùng lời ma mị mà đầu độc người khác báng bổ thần linh, càng không được cậy theo bè đảng thế lực mà đàn áp những người tu luyện điều đó sẽ làm cho tội báo của con ở dưới này ngày càng thêm nặng nề. Đồng thời cúi xin hai ngài nói với họ rằng đừng phỉ báng Phật Pháp, đừng lấy lời tà mà lừa gạt chúng sinh nữa, bằng không sẽ giẫm theo bước chân của con mà đọa lạc xuống nơi địa ngục tột cùng thống khổ này!

Hai vị tôn giả rủ lòng xót thương chấp thuận lời khẩn cầu của quỷ nhân Bộ Lợi Nã, họ bay ra khỏi địa ngục Vô Gián và trở về thành Vương Xá, trên đường về thì gặp một nhóm người côn đồ ngoại đạo, trên tay người nào cũng cầm hung khí giống như cây gậy gỗ. Những kẻ hung hiểm này chuyên chặn đường ức hiếp, nhục mạ những người tu hành đi ngang qua đấy, ngăn cản không cho họ hồng Pháp và tu luyện và còn thẳng tay mà hành hung, đánh đập họ nữa.

Xá Lợi Phất đi trước, thấy họ chặn đường vung gậy lên toan đánh, bèn dùng lời hòa giải để ngăn họ, thì những kẻ ngoại đạo hung hãn ấy tuy ngừng tay hành ác nhưng vẫn dùng tia mắt hung dữ nhìn theo tôn giả đồng thời không ngớt buông ra những lời lẽ thô thiển và thóa mạ. Tiếp theo khi thấy Mục Kiền Liên đi tới thì đám người tà ác lại xông ra vung gậy đánh đập

– Đợi một chút, Mục Kiền Liên đưa tay lên chặn lại, chúng ta vừa từ địa ngục Vô Gián lên, gặp sư phụ của các người là Bộ Lợi Nã ở trong ấy đang chịu cực hình vô cùng nặng nề thống khổ, lưỡi của ông ấy bị cày rách bằng 500 cây cày sắt nung đỏ, máu tươi dầm dề, khổ sở không bút nào tả xiết. Ông ấy nhờ ta chuyển lời đến cho các người rằng: hãy ngừng phỉ báng Phật Pháp, không được tuyên truyền mị dân, và mong đừng có ai đi theo con đường tội lỗi của ông ấy để tránh gặp phải cảnh đọa đày địa ngục, đồng thời cũng là đỡ cho ông ta được bớt chịu tội khổ phần nào.

Tôn giả Mục Kiền Liên vì lòng tốt mà nói lại cho họ nghe lời của thầy họ, nghĩ rằng điều ấy có thể làm cho những kẻ tà ác hối lỗi và giải tỏa những oan khiên giữa đôi bên lúc ấy. Nào ngờ lời chưa dứt, bọn côn đồ ngoại đạo đã hung bạo ùa tới như một bầy hổ dữ sói hoang mà bao quanh, mà tấn công ngài:

– Đánh hắn! Hắn dám chê bai sư phụ của chúng ta! Hắn uy hiếp đến quyền lợi của chúng ta! Đánh hắn! Đánh tên sa-môn này đi!

Vậy là nào là cây, nào là gậy tới tấp như mưa giáng lên thân của Mục Kiền Liên, ngài bị đánh đến nỗi thương tích đầy người.

Tôn giả Mục Kiền Liên có thần thông những vẫn hứng chịu trận đòn như mưa lên người. (Ảnh: tnews.co.th)

Tôn giả Mục Kiền Liên vốn là bậc đệ nhất thần thông, thần lực không thể nghĩ bàn, đã từng dùng ngón chân ấn lên cung điện của vua Đế Thích làm cung điện này dao động và sụp đổ, vậy thì tại sao ngài lại không đem sức thần thông ấy ra đối phó khi bị những kẻ côn đồ ngoại đạo bao vây đánh đập? Lúc ấy chiến thắng một vài ngàn tà ác không phải là dễ dàng như trở bàn tay sao?

Nhưng Mục Kiền Liên tôn giả không hề dùng thần thông chống đỡ, ngài mang theo tấm thân đầy thương tích vào thành khất thực, rồi trở về tịnh xá dùng cơm, xếp đặt lại y bát gọn gàng xong đến gặp đức Phật, ngài cúi đầu đảnh lễ trước đấng Thế Tôn và thưa:

– Con vừa mới trả xong nợ nghiệp trần ai, không lâu nữa Xá Lợi Phất sẽ nhập niết bàn, chúng con là hai người bạn đồng đạo thân nhất trong thế giới loài người, con nghĩ chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ viên mãn và rời đi. Xin đấng Thế Tôn từ bi tha thứ cho đệ tử!

Tôn giả Mục Kiền Liên với tâm cung kính chân thành nhất đi xung quanh đức Phật ba vòng theo chiều tay phải, chắp bái lạy, sau đó ngài trở về quê từ biệt gia đình bạn hữu và hồng Pháp cho những người có duyên rồi ít lâu sau ngài bay lên núi Kỳ Xà Lê và nhập niết bàn.

***
Giữa tăng đoàn, đức Phật kể lại cho chúng đệ tử nghe câu chuyện “Đánh một thả một”, cũng là chuyện kiếp xưa của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên:

– Ngày xưa có hai vị tu đạo một hôm đi qua ngôi làng nọ, thì gặp một đám trẻ mới lớn ngang tàng và ngỗ ngược có tiếng ở trong làng, thấy hai vị từ xa đi tới, tâm liền loạn động, chúng bàn tính với nhau nên làm khó dễ hai vị ấy như thế nào.

Bọn trẻ du côn kia chắn ngang giữa đường hỏi vị tu đạo đầu tiên mới đi tới rằng:

– Chừng nào thì khí hậu mới trở lạnh?

Vị tu đạo đi trước cười đáp:

– Không kể xuân hạ thu đông, hễ ngày nào có gió, có mưa thì cảm thấy lạnh.

Bọn trẻ bèn nhường đường cho vị này đi qua rồi lại chặn đường vị tu đạo thứ hai đi phía sau và hỏi:

– Bao giờ thì trời trở lạnh?

– Mùa đông thời tiết lạnh lẽo. Mặt trời mặt trăng cùng tinh tú xoay chuyển ấy là điều tự nhiên. Xuân hạ thu đông bốn mùa, đến mùa đông thì lạnh. Đó là định luật tự nhiên của trời đất, ai ai cũng biết điều đó, chỉ có kẻ ngu dốt mới không biết.

Bọn trẻ nghe thấy thế, không vừa ý, chúng nhặt đất đá và thi nhau ném vào người vị tu đạo thứ hai. Vị tu đạo thứ nhất chính là Xá Lợi Phất và vị thứ hai là Mục Kiền Liên. Chuyện xảy ra giống như ngày hôm nay vậy.

Giữa tăng đoàn, đức Phật kể lại cho chúng đệ tử nghe câu chuyện “Đánh một thả một”, cũng là chuyện kiếp xưa của Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. (Ảnh: youtube.com)

Nói tới đây, đức Phật biết vì có rất nhiều người thấy Mục Kiền Liên gặp nạn mà sinh lòng nghi ngờ đối với thần thông của người tu luyện, vì thế Ngài nói tiếp:

– Các ông chớ nên nghi ngờ, diệu dụng của thần thông không phải là một điều hư dối, nhờ thần thông tôn giả có thể bay lên trên trời, hoặc đi xuống lòng đất, biến hóa khôn lường, tự do tự tại không có chướng ngại. Mục Kiền Liên có sức mạnh bất khả tư nghị như thế. Tôn giả cũng không hề mất đi thần thông của mình, chỉ vì khi nào nghiệp lực hiện tiền thì ông ta biết rằng đã có nợ thì phải trả cho hết. Đến đấng Như Lai còn không muốn đi ngược lại luật nhân quả. Người nào cũng thế, khi nào nghiệp báo tới thời trổ quả thì chỉ có cúi đầu mà nhận chịu thôi. Thuận theo nhân quả mới phù hợp với lý của vũ trụ. Vả lại pháp môn chúng ta còn có giảng về “Thiện”. Vì thế mọi người nên vui vẻ mà chấp nhận nghiệp báo, đừng nên trốn tránh, cũng không nên oán hận kẻ đã đem nó tới. Cũng vì thế, mọi người nên biết rõ rằng nghiệp báo rất đáng sợ mà tinh tấn tu hành, cẩn thận mỗi hành vi của chính mình, dựng một bức tường xung quanh thân khẩu ý mà phòng ngừa. Mục Kiền Liên hiểu rõ giáo pháp của ta một cách chân chính, tôn giả rất giỏi thần thông nhưng không dùng thần thông để che đậy cho duyên nợ của mình, quả là đáng khen ngợi, đây cũng là một bài học để cho chúng đệ tử các con chiêm nghiệm.

Lời bàn:

Cổ nhân có câu: “Thà khuấy động nước ngàn sông, chớ nên làm động lòng người tu Phật”, xưa nay tối kỵ nhất là làm nên những chuyện thương thiên hại lý, phỉ báng Phật pháp, bức hại những người tu luyện.

Bộ Lợi Nã, lúc còn sống là bậc thuyết giả chuyên đi truyền bá những tích thuyết vô thần và phỉ báng Phật Pháp nên mới phải chịu khổ báo kinh khiếp như thế, vậy mà các đệ tử của ông vẫn tiếp tục ở trong vô minh mà hành ác: dùng lời ma mị lừa dối chúng sinh, báng bổ Thần Phật, bức hại người tu luyện… thì tránh sao khỏi cảnh tự thân hủy diệt và chịu tội về sau.

Tôn giả Mục Kiền Liên được coi là một trong những đệ tử thần thông đệ nhất của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng lại không dùng thần thông để hóa giải ân oán và đối phó với kẻ ác. Bởi với một bậc tu hành đắc đạo như Mục Kiền Liên thì ông đã nhìn thấu các mối quan hệ nhân duyên, quy luật nhân quả nghiệp đức, thiện ác hữu báo, lại càng không muốn vận dụng thần thông để đối phó với những kẻ tầm thường. Đó cũng chính là biểu hiện của đức “Thiện”, “Nhẫn”, trí huệ và từ bi của đấng giác ngộ vậy.

Một bậc tu hành đắc đạo như Mục Kiền Liên thì ông đã nhìn thấu các mối quan hệ nhân duyên, lại càng không muốn vận dụng thần thông để đối phó với những kẻ tầm thường. (Ảnh: youtube.com)

Chuyện xuất thần thông đối với những người tu luyện xưa nay đều không phải là không có. Chỉ có điều, các pháp môn tu luyện chính pháp cho dù là thuộc về Phật gia hay Đạo gia thì đều có giảng về: “Tâm tính”. Tâm tính phải cao, đức phải lớn thì mới có thể tu xuất thần thông. Bởi vậy đúng như lời mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giảng trong câu chuyện: “Chớ nên nghi ngờ, diệu dụng của thần thông không phải là một điều hư dối”. Tuy nhiên tu xuất thần thông cũng không phải là mục đích cuối cùng của người tu luyện.

Thực hành nguyên lý: Chân – Thiện – Nhẫn, đồng hóa với đặc tính của vũ trụ để đạt đến viên mãn, ấy mới là điều căn bản. Người đã tu xuất thần thông hẳn sẽ không dễ gì mang nó ra mà khoe khoang hiển thị. Phật gia có giảng: “Trong nghề nhìn chiêu pháp; ngoài nghề nhìn náo nhiệt”, nếu hữu duyên đắc được Đại Pháp và bước vào tu luyện, chắc chắn người ta sẽ hiểu được đạo lý này.

Đường Tân

Các bài viết khác