Làng Cam Lâm có một chàng ngốc. Ngay từ lúc mới chào thì mẹ qua đời, chưa đến hai năm sau thì bố chú ngốc cũng ra đi. Chú ngốc ấy nhờ sự cưu mang của xóm làng mà sống qua ngày…
Đầu óc của chú không được linh hoạt lắm, lúc nào cũng ngây ngô đần độn, ngay đến cả một câu nói đơn giản cũng đều không thể diễn đạt cho rõ nghĩa được. Mọi người trong làng ngoài việc bố thí cho chú cái ăn cái mặc ra, trước nay không có ai nguyện ý ở gần chú ấy cả. Một là bởi chú ta ngốc, hai là mọi người cứ hay đồn tai nhau, nói chú ta vừa mới chào đời đã khắc chết bố mẹ, chẳng phải là người tốt lành gì.
Trong làng có một bà già họ Dương, nguyên là hàng xóm láng giềng gần nhà của chú ngốc. Bà Dương tâm lòng lương thiện, hòa nhã dễ gần, là người duy nhất nguyện ý ở gần chú ấy. Lúc nhỏ cũng may được bà Dương chăm sóc, chú ngốc mới có thể lớn lên thành người được.
Con trai con dâu của bà Dương đều làm việc ở thị thành. Năm đó, hai vợ chồng họ gửi cháu bé 5 tuổi về quê nhà cho bà Dương chăm sóc, chú ngốc cũng thường ghé qua nhà họ Dương chơi đùa với đứa cháu đó. Tuy luôn bị người ta gọi là gã ngốc, tuy luôn bị ức hiếp bắt nạt, nhưng trước nay chú ta cũng chỉ cười hà hà.
Một ngày kia, bà Dương đi đến đầu làng gánh nước, chú ngốc nhìn thấy vội vàng chạy đến giúp đỡ. Sau khi chiếc thùng đựng đầy nước rồi, chú ngốc cầm lấy đòn gánh gánh thùng nước trên vai, rồi cùng bà Dương đi về nhà. Trên đường nhìn thấy ông Lý nhà ở đầu làng, chú ngốc đột nhiên dừng chân lại, thần sắc nặng nề, miệng nói một câu hết sức rõ ràng:
“Ông Lý này chẳng còn sống được mấy ngày nữa”.
Bà Dương vội chạy lên lấy tay bịt miệng chú ấy lại, nói:
“Đừng nói năng lung tung, nếu để người ta nghe thấy, há không bị một trận no đòn hay sao”.
Bà Dương vừa nói xong, liền cảm thấy có gì đó không đúng, điệu bộ nói chuyện của chú ngốc khi nãy thật không giống một kẻ ngốc chút nào, mà nghiêm túc giống như người bình thường vậy. Bà đưa mắt nhìn chú và nhủ thầm có lẽ là mình đã nghĩ nhiều rồi, nên cũng không có để ý gì thêm nữa.
Mấy ngày sau, bà Dương hốt hoảng chạy đến nhà chú ngốc, kéo lấy chú ấy nói:
“Ông Lý đã đi rồi, mấy ngày trước cậu gặp chú ấy nói chú ấy không còn sống được thêm mấy ngày nữa, sao cậu lại biết được vậy?”.
Chú ngốc dường như nghe không hiểu lời của bà Dương, chỉ biết cười ngây ngô với bà, bà Dương thở dài một hơi, lòng nghĩ:
“Ngốc nghếch như cậu ta thì biết gì cơ chứ, có lẽ chỉ là ăn nói lung tung, vừa khéo mèo mù đụng phải chuột chết mà thôi”.
Chuyện đó cứ thế qua đi. Hai năm sau vào một ngày chiều tối, bà Dương đã làm rất nhiều món ngon, gọi chú ngốc sang ăn cùng. Chú ngốc sang đến nơi nhìn thấy cháu bé đang gấp máy bay giấy chơi trong nhà liền ngây người ra. Bà Dương dọn đồ ăn lên bàn xong, liền gọi chú ấy:
“Cậu còn ngây người ra đó làm gì? Mau ngồi vào bàn ăn cơm thôi”.
Chú ngốc bước đến trước mặt bà Dương, nghiêm túc nói:
“Mấy ngày này, bác nhớ đừng cho thằng cháu của bác ra bờ sông chơi, nếu không sẽ có chuyện đấy”.
Bà Dương nghe xong, rất lấy làm không vui, lòng nghĩ thầm: Tôi mời cậu sang đây ăn cơm, còn cậu lại nguyền rủa cháu tôi có chuyện. Ngay lúc đang muốn mắng chú ngốc một trận, chợt lại nghĩ đến chuyện của ông Lý ở đầu làng ngày trước, lời đến miệng bèn thu lại. Chú ngốc lại trở về chú ngốc, bà Dương dùng bữa với tâm trạng không vui.
Ngày hôm sau, mấy đứa trẻ trong làng đến tìm cháu nhà bà Dương cùng đi chơi, lũ trẻ chạy nhảy nô đùa rất là thích thú, đang chơi đang chơi cứ thế đã chạy đến bờ sông ngoài thôn. Lũ trẻ liền xắn ống quần, ống tay áo lên, rồi chạy đến bờ sông nghịch nước, đột nhiên, cháu của bà Dương trượt chân ngã xuống sông, từng ngụm từng ngụm nước đổ dồn vào miệng, cậu bé gắng sức giãy giụa chới với.
Chính ngay lúc cậu bé sắp bị chìm xuống, chú ngốc không biết từ đâu lao đến, “ùm” một tiếng, nhảy xuống sông cứu cháu trai của bà Dương lên. Sau khi hai người đi lên bờ, bà Dương hay tin từ trước vội vàng chạy đến nhìn thấy chú ngốc đang làm hô hấp nhân tạo cấp cứu cho cháu mình. Lúc này, chợt bà cảm thấy chú ngốc này vốn không ngốc chút nào.
Cháu của bà Dương được cứu sống, nhưng chính ngay lúc bà đang vui mừng khôn xiết, bên cạnh lại có tiếng khóc vọng đến, thì ra bé trai nhà họ Trương không biết từ lúc nào cũng rơi xuống sông, điều không may là, khi mọi người chạy đến ứng cứu thì đã quá trễ rồi.
Cháu của bà Dương tránh qua được kiếp nạn, bà vừa vui mừng lại vừa đau buồn. Buồn vì cậu bé nhà Trương còn nhỏ như vậy đã ra đi rồi, mừng vì cháu mình may thay bình an vô sự. Bà Dương bây giờ thật sự tin tưởng chú ngốc này nhìn thấy được sinh tử của người ta, với chú ấy càng thêm phần cảm kích.
Buổi chiều, bà Dương đặc biệt làm thịt con gà trong nhà, còn mua thịt heo, chuẩn bị rất nhiều món cảm ơn chú ngốc. Buổi tối, sau khi nấu nướng xong xuôi, liền đi sang nhà chú ngốc mời qua ăn cơm. Vừa bước ra khỏi cửa bỗng nghe thấy: “đoàng” – một tiếng sét vang lên, tiếp đó lại thêm phát thứ hai, phát thứ ba bổ xuống, âm thanh chấn động cả tai, hơn nữa đều là nhắm vào nhà chú ngốc bổ xuống.
Bà Dương vội vàng chạy vào nhà chú ngốc xem thử, phát hiện trong nhà một mùi cháy khét lẹt, thì ra là chú ngốc bị sét đánh trúng, khắp người đều cháy đen cả. Bà Dương không cầm được liền khóc òa lên. Chú ngốc chỉ một thân một mình, bà muốn lo liệu hậu sự cho chú ấy.
Bà Dương chạy đi gọi người làm tang sự trong làng đến giúp đỡ. Khi về đến nơi thì thấy chú ngốc đang ngồi ngay ngắn trong nhà, khiến bà một phen hú vía như nhìn thấy ma vậy. Sau khi xác nhận chú ngốc vẫn còn sống, bèn hỏi chú ấy đây rốt cuộc là chuyện gì. Chú ngốc với ánh mắt rất có thần thái, nói rất trôi chảy:
“Chính như bác đã thấy đấy, cháu rất tốt, chỉ là thần thông trước đây nay đã không còn nữa rồi”.
Thì ra, chú ngốc lúc nhỏ đã có một loại thần thông, có thể nhìn thấy sinh tử của người ta, nhưng chú cũng chỉ có thể nhìn thấy nhưng lại không thể thay đổi. Hôm đó chính là vì đã cứu cháu trai của bà Dương mà bị trời trách phạt, ba tia sét đó đã thu hồi lại thần thông của chú ấy. Lại cũng bởi họa mà được phúc, nhờ vậy mà chú ấy giờ đã trở thành người bình thường.
Cứ như vậy, chú ngốc đã không còn ngốc nghếch nữa, hơn nữa còn rất là thông minh. Bà Dương nhìn thấy chú ngốc khổ tận cam lai, không cầm lòng được ôm chầm lấy chú mà khóc.
Lời bàn:
Kỳ thật, người đời không thích tra cứu nhân quả của sự tình, mà chỉ nhìn vào kết quả sau cùng.
Cũng bởi chỉ nói cho bạn biết kết quả sau cùng, nên bạn làm sao biết được nhân quả trong đó đây?
Suy nghĩ kỹ một chút nữa, vì sao thiên cơ lại không thể tiết lộ được đây?
Nói tóm lại chính là: Dù có nhìn thấu cũng không được nói thẳng ra, nói ra chính là đồng như mắc tội vậy.
Theo “Liêu Trai kỳ đàm”
Phi Long biên dịch