Chuyện cổ Phật gia: Chúng sinh mê muội độc ác, đấng Giác Ngộ từ bi nhẫn chịu

Mùa Ðông đã tàn, khí trời dần dần ấm áp. Dưới ánh sánh bình minh, muôn cánh hoa đang vươn mình phô sắc. Trong thành Ba La Nại, tịnh xá Trúc Lâm kiến trúc trên một cánh đồi rộng rãi, cây cối um tùm tĩnh mịch dần dần hiện rõ trong đám sương mù.

Lúc bấy giờ, Ðức Thế Tôn đang an toạ trong tịnh xá Trúc Lâm, dùng đạo nhãn thấy dân chúng ở nước Rô-na-ba-răn-ta đang chịu nhiều điều thống khổ dưới quyền thống trị của nhà cầm quyền Kê Hoa Ðà người Bà La Môn giáo. Người ấy đã dùng thế lực sẵn có trong tay, ép buộc dân chúng phải tôn thờ Phạm Thiên và ngược đãi bắt bớ những người chống đối lại.

Trước hành động bạo ác và bất công ấy, Ðức Thế Tôn thương xót cho Kê Hoa Ðà, là một nhà trí thức mà hiện tại không có người hướng dẫn sáng suốt, tương lai không tránh khỏi ác báo trong ba đường.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn thấy trong hàng đệ tử, chỉ có tôn giả Phú Lâu Na là người có thiện duyên với Kê Hoa Ðà và dân chúng xứ ấy nên sai đến đó để giáo hóa.

Ðức Thế Tôn biết rằng: Trên con đường truyền bá Chính Pháp, dẫn dắt người trở về con đường thiện lành, tôn giả Phú Lâu Na sẽ gặp nhiều trở ngại, thử thách.

Biết vậy, nên Ðức Thế Tôn gọi tôn giả Phú Lâu Na đến dạy rằng:

– Dân xứ ấy và Kê Hoa Ðà độc ác lắm, ta sợ ngươi không đủ can đảm để chịu đựng.

– Bạch Thế Tôn, con nguyện đem hết năng lực để làm tròn sứ mạng.

– Nếu đến đó bị chửi mắng, thì ngươi nghĩ sao?

Tôn giả Phú Lâu Na đáp lời Phật:

– Con nghĩ: Những lời chửi mắng kia cũng như những tặng phẩm. Nếu họ đem đến tặng cho con, con không nhận, họ sẽ mang về. Và con nghĩ rằng: Những người ấy còn hiền từ lắm, vì họ chỉ chửi mắng mà không nhấn con xuống nước.

– Nếu họ đem nhấn ngươi xuống nước?

– Con nghĩ rằng: Họ là những người tối dạ, và chỉ nhấn xuống nước mà không lấy đá ném vào đầu con.

(Ảnh: Wikipedia)

– Nếu họ dùng đá ném vào đầu ngươi?

– Con nghĩ rằng: Họ rất tốt vì chỉ lấy đá ném vào đầu mà không dùng gậy đập con.

– Nếu họ dùng gậy đập ngươi?

– Con nghĩ rằng: Họ rất hiền từ vì chỉ dùng gậy đập mà không giam cầm, ngăn cản bước đường truyền đạo của con.

– Nếu họ giam cầm ngươi?

– Con nghĩ rằng: Những người ấy rất tử tế, vì họ giúp con có thời gian tịnh dưỡng tinh thần để nung luyện thêm ý chí, mà không dùng gươm đâm chém con.

– Nếu họ lấy gươm đâm chém ngươi?

– Con nghĩ rằng: Họ rất tốt bụng, vì chỉ đâm chém mà không giết chết con.

– Nếu họ giết chết ngươi?

– Bạch Thế Tôn, con rất vui mừng, vì những người kia đã dùng tâm từ bi giúp cho con sớm thoát khỏi tấm thân giả tạm đau khổ này, để chóng thành quả vị Vô Thượng Giác.

Ðức Thế Tôn dạy: “Hay thay! Hay thay! Phú Lâu Na ngươi đã có một ý chí mạnh mẽ. Ngươi đã biết khinh thường thân mạng để phụng sự chân lý. Ngươi thật là một người đệ tử trung kiên của ta, đáng thay ta đến xứ ấy truyền bá Chánh Pháp, hướng mọi người trở về con đường sáng đầy an lạc và giải thoát.”

Tôn giả Phú Lâu Na đảnh lễ, vâng lời Phật dạy rồi từ giã lên đường sang xứ Rô-na-ba-răn-ta.

(Ảnh minh họa: Wikipedia)

***

Trải qua thời gian đằng đẵng, có biết bao nhiêu đấng Giác Ngộ đã giáng hạ phàm gian để cứu độ chúng sinh khỏi biển khổ, từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của phương Đông đến Đức Chúa Giê-su của phương Tây. Ấy thế nhưng chúng sinh mê muội không nhận ra các Ngài, không ít lần Chính Pháp Chính Đạo bị coi là “tà giáo”, nhiều đấng Giác Ngộ phải chịu nhận bức hại. Chúa Giê-su đổ máu trên cây thập tự giá mà vẫn xót thương cho những người Do Thái đã bức tử mình, vì Ngài biết họ sẽ phải hoàn trả tội lỗi một cách thống khổ. Chỉ tới khi vật đổi sao dời, bức màn sự thật được vén tỏ, thì thế nhân mới bàng hoàng nhận ra tấm lòng từ bi vô lượng vô biên của Thần Phật.

Các bậc Giác Ngộ không có tâm oán hận, chỉ thương xót con người, từ bi với con người, không tiếc xả bỏ thân mạng để cứu độ con người. Nhưng quy luật thiện ác báo ứng thì nghiêm cẩn vô tình, con người trong mê lạc gây ra tội lỗi gì đều phải tự mình gánh chịu quả báo.

Rơi rớt xuống cõi trần gian, con người bị đôi mắt thịt che lấp nên khó nhìn ra chân tướng, lại bị các chủng các loại dục vọng mê hoặc dẫn dắt, cơ duyên tìm thấy con đường giải thoát thật quá mong manh. Khi một đấng Giác Ngộ giáng lâm, thường là khi đạo đức nhân tâm đã suy đồi, liệu khi ấy bạn có đủ tỉnh táo để nhận ra Ngài? Nếu bạn còn mải mê tìm kiếm danh lợi, thì cơ duyên quý báu sẽ trôi qua. Còn nếu bạn vô tri vô giác tiếp nhận lời lẽ tà, phỉ báng đấng Giác Ngộ, bức hại Ngài và đệ tử của Ngài, thì sẽ không sao rửa sạch tội lỗi. Để có thể nhận rõ đúng sai, phân biệt Chính – Tà, từ đó chọn cho mình tương lai tươi sáng, bạn hãy giữ cho mình tâm địa thiện lương nhé.

Thanh Ngọc (DKN.tv)

Các bài viết khác