Tranh Khung đồng, tranh chữ Hiếu, Chữ Đạo, tranh mạ vàng 9999
Chất liệu đồng vàng thanh khiết
Nhận làm theo yêu cầu của quý khách
Tranh Khung đồng, tranh chữ Hiếu, Chữ Đạo, tranh mạ vàng 9999
Chất liệu đồng vàng thanh khiết
Nhận làm theo yêu cầu của quý khách
Hàng năm theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam, cứ đến ngày chư tăng xuất hạ (ngày tự tứ) thì toàn thể Phật tử lại cử hành lễ Vu Lan, để thể hiện hiếu hạnh của mình theo gương hiếu hạnh của Tôn giả Mục Kiền Liên. Ngày hôm ấy, Phật tử hành lễ, được nghe thuyết giảng về chữ hiếu, chúc thọ Mẹ Cha và cầu siêu độ cho những người quá cố.
Hiếu thường được hiểu là đức tính cao thượng của con người trong hầu hết các vùng văn hoá của nhân loại. Đó là thái độ sống bày tỏ sự biết ơn sinh thành, dưỡng dục đối với Mẹ Cha, bậc ân nhân trọng đại của mình.
Nói hiếu là sự đáp đền ân nghĩa là một cách nói. Thực sự nếu cuộc sống và con người là thiêng liêng, vô giá, thì Hiếu đạo cũng thế, là nghĩa sống cao đẹp, thiêng liêng của con người mà không phải chỉ là mối tương quan xã hội có tính cách ước lệ như luật pháp ấn định.
Qua các nền văn hoá khác nhau, quan niệm về chữ hiếu và hình thức báo hiếu cũng khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ trìng bày chữ hiếu trong quan niệm của người bình dân Việt Nam và chữ hiếu qua Kinh tạng Phật giáo.
Hiếu qua ca dao và thi ca Việt Nam
Nói đến công ơn vô ngần của Cha Mẹ, ca dao Việt Nam có rất nhiều, tiêu biểu như là:
“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
Tình Cha thì nghiêm nghị nên công Cha được ví như trái núi cao sừng sững, tình Mẹ thì êm ả dịu dàng, nên nghĩa Mẹ được ví như suối nguồn bất tận.
Ân nghĩa cao dầy ấy được ca dao Việt Nam lập lại nhiều lần với lòng đầy tôn kính:
“Công Cha nghĩa Mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người, ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.”
“Công Cha nghĩa Mẹ cao dày
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
“Đội ơn chín chữ cù lao,
Sinh thành kể mấy non cao cho vừa.”
Ca dao Việt Nam còn nói thắm thiết và rõ nét hơn về về ân nghĩa ấy của Mẹ Cha:
“Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt Mẹ nằm bên ráo con lăn
Biết mấy chi đền đáp khó khăn
Lên non xắn đá xây lăng phụng thờ.”
“Ơn hoài thai to như bể
Công dưỡng dục lớn tợ non.”
“Nhớ ơn chín chữ cù lao
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.”
Cha Mẹ không phải chỉ là ân nhân, mà hiện hữu như là lẽ sống và hạnh phúc của người con. Thiếu Cha Mẹ, người con sẽ bơ vơ, lạc lõng và thiếu mất nghĩa sống biết là bao:
“Con có Cha như nhà có nóc
Con không Cha như nòng nọc đứt đuôi.”
“Còn Cha gót đỏ như sơn
Một mai Cha thác gót con đen sì.”
“Còn Cha còn Mẹ thì hơn
Không Cha không Mẹ như đờn đứt dây.
Đờn đứt dây còn tay nối lại
Cha Mẹ chết rồi con phải mồ côi.”
Người Mẹ thân yêu thường gần gũi săn sóc, vỗ về con nhiều hơn là Cha, do đó con thường bộc bạch tình cảm nghiêng nặng về Mẹ hơn:
“Mồ côi Cha ăn cơm với cá
Mồ côi Mẹ lót lá mà nằm.”
“Mẹ già như chuối ba Hương
Như xôi nếp một như đường mía lau.”
Người bình dân Việt Nam rất coi trọng chữ Hiếu, có khi người con gái tự nguyện ở cạnh Mẹ Cha để phụng dưỡng mà không đi lấy chồng:
“Ơn hoài thai to như bể
Công dưỡng dục lớn tợ sông
Em nguyền ở vậy không chồng
Lo nuôi Cha Mẹ hết lòng làm con.”
Hiếu không phải là mối liên hệ ân tình giữa Cha Mẹ và con cái, mà còn là nguồn tâm giải thoát, là điều kiện tốt nhất đối với con người:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ Cha kính Mẹ cũng là chân tu.”
Ca dao Việt Nam tin vào luật nhân quả của Phật giáo, qua kinh nghiệm thường nghiệm đã nói nên rằng hiếu còn là bài học cần thiết để dạy con nên người tốt. Nếu mình bất hiếu thì về sau con mình sẽ bất hiếu với mình. Đây cũng là một trách nhiệm giáo dục của bậc làm Cha Mẹ Việt Nam:
“Nếu mình hiếu với Mẹ Cha
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công.”
“Hiếu thuận sinh ra con hiếu thuận
Ngỗ nghịch nào con có khác chi
Xem thử trước thềm mưa xối nước
Giọt sau giọt trước chẳng sai gì.”
Chia sẻ về chữ hiếu của quần chúng bình dân, văn chương bác học Việt Nam cũng xác định hiếu là đức tính cao thượng của con người. Qua thi phẩm nổi danh “Đoạn Trường Tân Thanh”, cụ Nguyễn Du đã để nàng Kiều bán mình chuộc Cha, đặt nặng hiếu trên tình, dù phải đi vào đoạn trường. Những tháng ngày lưu lạc, Kiều vẫn chạnh nhớ Cha già sợ thiếu người phụng dưỡng:
“Sân hoè đôi chút thơ ngây
Trâm cam ai kẻ đỡ thay việc mình.” (1258-1259)
Nguyễn Trãi tiên sinh thì bảo:
“Cù lao đội đức cao dày
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.
…
Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thuốc thang mọi bề.
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự, ta thì an tâm,”
(Gia Huấn Ca, Tân Việt, 1953, tr. 14)
Người con dù tiếp nhận công Cha nghĩa Mẹ, dù tìm hiểu hiếu nghĩa qua sách vở… vẫn không có được một cảm nhận sâu sắc về ân nghĩa ấy, cho đến khi nào người con trưởng thành lập gia đình, làm Cha Mẹ, nuôi con của một gia đình mới. Từ cảm nhận sâu sắc này nảy sinh ra thái độ đền đáp ân nghĩa một cách chí thành chí kính. Cụ Nguyễn Trãi đã viết:
“Nuôi con mới biết lòng Cha Mẹ
Thấy loạn thì hay thuở Thuấn Nghiêu.”
(Nguyễn Trãi toàn tập, Hà Nội, 1976, tr.441)
Hệt như quý vị xưa đã nói:
“Dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân.”
và “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
Ngoài việc hầu hạ, phụng dưỡng Cha Mẹ, để báo hiếu người con còn có bổn phận giữ gìn gia phong, tài sản danh dự của dòng họ và của quê hương. Lúc bị quân Minh áp giải về Bắc, cụ Nguyễn Phi Khanh đã bảo với Nguyễn Trãi, người con đang theo chân cụ khóc lóc rằng:
“Con là người có học có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho Cha. Như thế mới là đại hiếu. Mựa là cứ phải đi theo Cha khóc lóc như đàn bà mới là hiếu sao?”
(Nguyễn Trãi toàn tập, Hà Nội 1976, tr. 14)
Sau đó, cụ Nguyễn Trãi đã gạt lệ quay về phò Lê Lợi đnáh thắng quân Minh xâm lược. Ở đây, Hiếu đồng nghĩa với Trung (tương tự ý nghĩa hiếu với dân). Hiếu vì hạnh phúc của nhân dân.
Cụ Nguyễn Du thì quan niệm Trinh là Trinh ở lòng, nên lòng hiếu cũng như lòng trinh, đó là tấm lòng cao đẹp:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho vẩn được mình ấy vay.”
Nhờ vào quan niệm rộng rãi về chữ hiếu. Chữ trung, chữ tình, như thế nên ở xã hội Việt Nam ít xảy ra các tấn tuồng bi thảm do sự xung đột của Tinh, Hiếu, Trung gây ra. Dù vậy, chữ hiếu trong giáo lý Phật giáo vẫn mang ý nghĩa rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, và giải thoát hơn chữ Hiếu qua ca dao và thi ca Việt Nam.
Hiếu trong Kinh tạng Phật giáo
Kinh Phân Biệt ghi:
“Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn của Cha Mẹ ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn Hiếu với Cha Mẹ.”
Kinh Bảo Tạng ghi:
“Làm con đối với Cha Mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước đức vô lượng, làm điều bất thiện đối với Cha Mẹ thì tội cũng vô lượng.”
Kinh Nhẫn Nhục dạy:
“Điều thiện tối cao là chí Hiếu, điều ác cực ác là bất Hiếu.”
Theo thuyết nghiệp báo của giáo lý Nam tạng và Bắc tạng, truyền thống Phật giáo xếp tội lỗi giết Cha, giết Mẹ vào 5 tội cực trọng gọi là “Ngũ nghịch tội” (Tội giết Cha, tội giết Mẹ, tội giết A La Hán, tội làm chảy máu thân Phật, và tội phá hoà hiệp Tăng). Chừng đó đủ nêu rõ tầm mức quan trọng của hiếu đạo trong giáo lý Phật giáo.
Kinh Thiện Sinh (Hay Kinh Đảnh lễ sáu phương):
Kinh này ghi nhận mối liên hệ Cha Mẹ con cái là mối liên hệ thiêng liêng đáng đảnh lễ, đáng tôn kính như là tín đồ Bà La Môn tôn kính đấng Phạm Thiên. Ở đây, người con có các bổn phận đối với Cha Mẹ như sau:
– Vâng lời Cha Mẹ, giúp đỡ Cha Mẹ khi cần
– Chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc
– Gìn giữ gia phong, danh dự gia đình
– Gìn giữ tài sản của Cha Mẹ
– Phụng dưỡng Cha Mẹ lúc tuổi già
– Lo đám tang đúng phong tục khi Cha Mẹ mất.
– Khích lệ, giới thiệu đạo giải thoát, chánh kiến, đến Cha Mẹ.
Kinh Tăng chi I, trang 75, ghi:
“Có hai hạng người, này các Tỳ kheo. Ta nói không thể trả ơn được: Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp, hầu hạ và dù tại đó Cha Mẹ vãi tiểu tiện, đại tiện cũng chưa làm đủ để đáp ơn Mẹ và Cha.”
Thế Tôn dạy đó là ân nghĩa sâu dày nhất khó đền đáp nổi. Vì vậy, Ngài tuyên bố hiếu thảo với Cha Mẹ là đức tính cao cả nhất của người con:
“Giữa các loài hai chân
Chánh giác là tối thắng
Trong các hàng con trai
Hiếu thuận là tối thắng”
(Tương Ưng I, tr. 08)
Ngài xem việc hiếu kính Cha Mẹ là hai trong bốn niềm vui sướng, hạnh phúc nhất của người Phật tử (Tại gia và xuất gia)
“Vui thay hiếu kính Mẹ!
Vui thay hiếu kính Cha!
Vui thay kính Sa môn!
Hoà hiệp Tăng, vui thay.”
(Kinh Pháp Cú, kệ số 332)
Sự khác biệt giữa ý nghĩa của hiếu hạnh theo quan điểm của Phật giáo và ý nghĩa hiếu hạnh theo quan niệm thông thường của người dân Việt
* Công ơn Cha Mẹ:
Quần chúng thường ghi nhận công ơn Cha Mẹ qua các điểm:
– Khổ nhọc khi mang thai.
– Đau đớn khi sanh
– Vất vả nuôi nấng, dưỡng dục
– Lo bạn bè, cưới gả cho con cái
– Lo lắng nhiều khi con đau
– Xây dựng con nên người tốt.
Phật giáo ghi nhận thêm một ân lớn của Cha Mẹ: nhờ có Cha Mẹ đưa con vào đời, từ đó người con có nhân duyên học đạo giải thoát, hiểu đạo và hành đạo. Vì giải thoát là giá trị tối thượng, nên ân đức Mẹ Cha là ân đức cao cả nhất không thể đáp đền bằng vật chất và sự công khó.
* Về phương diện đáp ân:
Người đời đền đáp ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục bằng của cải vật chất, tiền bạc và lòng thương kính. Phật giáo quan niệm sự đền đáp ấy là chưa đủ. Người con còn có bổn phận đem lại cho Cha Mẹ chánh kiến, chánh tín, giới thiệu con đường giải thoát giới định tuệ hầu giúp Mẹ Cha loại trừ các ác nghiệp, tăng trưởng các thiện nghiệp, đi dần về giải thoát sinh tử khổ đau. Sự đáp đền này gọi là sự đáp đền của người Phật tử, hay của người trí tuệ; chỉ bằng sự đáp đền này mới tương xứng với công ơn của Cha Mẹ. Việc báo hiếu của người Phật tử do đó không nhất thiết đáp ứng đủ mọi yêu cầu của Cha Mẹ nếu các yêu cầu đó không phù hợp với chánh pháp (phi luật, phi pháp). Chính hành vi báo hiếu này mới thực sự đem lại an lạc cho Cha Mẹ và cho gia đình, xã hội trong hiện tại và cả trong tương lai, bởi tự thân của chánh pháp đã có tác dụng đem lại nguồn an lạc và hạnh phúc ấy.
Thế Tôn dạy:
“Những ai đền ơn Cha Mẹ bằng cách nuôi dưỡng, dâng cúng với của cải, vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để đáp ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ Kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin Tam Bảo thì khuyến khích cho có lòng tin Tam Bảo, đối với Cha Mẹ sống tà giới thì khuyến khích vào chánh giới, đối với Cha Mẹ tham gian thì khuyến khích bố thí, đối với Cha Mẹ tà kiến thì khuyến khích vào chánh kiến trí tuệ; cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và đền đáp ơn đủ cho Mẹ và Cha.”
(Tăng Chi I, tr. 75)
Như thế, Phật giáo đã giới thiệu hiếu hạnh như một thiện pháp giúp hành giả tu tập tâm đi vào giải thoát. Từ đây, hiếu cần được thực hiện trên nền tảng của giới, định và tuệ, nghĩa là cần được thực hiện trên cơ sở nhận thức “tham, sân, si là gốc của sai lầm khổ đau, và không tham, không sân, không si (chánh kiến) là gốc của an lạc, giải thoát.” Nói ngắn gọn thì các hành vi hiếu thảo của người con Phật tử cụ thể bao gồm:
a. Về đời sống vật chất, thì hầu hạ, phụng dưỡng Mẹ Cha thế nào để Mẹ Cha sống được thoải mái thân thể và tình cảm trong hiện tại.
b. Về đời sống tinh thần, tâm thức, thì nhắc nhở khích lệ, trợ duyên cho Cha Mẹ thế nào để Cha Mẹ học, hiểu và hành đạo, giải thoát dẫn đến an lạc và hạnh trong hiện tại và trong cả tương lai.
Chính bổn phận thứ hai này mới là nổi bật sắc thái hiếu thảo của người con Phật.
* Về phương diện nhận thức:
Một điểm khác biệt thứ ba là điểm khác biệt giữa quan niệm và nhận thức về chữ hiếu giữa Phật giáo và người đời.
Tư duy đầy ngã tính của người đời thường quy định phạm trù khác biệt giữa các hiếu, trung, tình, nghĩa… để từ đó khơi dạy trong cuộc sống các mâu thuẫn xung đột gây ra các bi kịch khổ sở cho con người, khi phải đặt mình trước một chọn lựa đau xót giữa hiếu và tình, giữa trung và hiếu, giữa tình và trung. Mà chọn lựa thì phải hy sinh. Mà hy sinh bên tình, bên trung hay bên hiếu, đều đem lại khổ đau thống thiết cả.
Phật giáo không tư duy như thế. Phật giáo quan niệm tâm của hiếu, của tình, của trung, của nghĩa… đều là thiện tâm, đều có chung một gốc tâm thiện. Sống chỉ là một quá trình thể hiện các thiện tâm theo yêu cầu của từng thời điểm, trong một nhịp điệu vận dụng đem lại hạnh phúc, an lạc và chánh kiến cho mình và cho người.
Như cụ Nguyễn Du đã chia sẻ với quan điểm này khi cụ viết:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho vẩn được mình ấy vay.”
Một khi thể hiện được trọn hiếu thì hẳn là cũng trọn tình, trọn trung, trọn nghĩa. Và ngược lại, khi trọn trung thì hẳn cũng chí hiếu và chung tình. Giá trị ở đây là giá trị của tâm thức, giá trị của cái tâm vận dụng tốt.
* Về ý nghĩa rộng rãi của của chữ hiếu trong Phật giáo:
Một điểm khác biệt sau cùng là người Phật tử tin tưởng vào lý thuyểt nghiệp báo, tin tưởng vào lời đức Phật dạy rằng: trong cuộc sống luân hồi dài, nhân loại và chúng sinh đã từng là thân quyến, anh em, Cha Mẹ của nhau, nên việc báo hiếu đối với Cha Mẹ của nhiều đời quá khứ trở thành hành vi cư xử tốt đẹp với mọi người xung quanh mình. Hiếu ở đây (đối với Cha Mẹ của nhiều đời quá khứ) mang ý nghĩa của trung, nghĩa và tình. Nói khác đi, Hiếu của người Phật tử ở đây là hiếu đối với mọi người khi hành vi cư xử trở nên bình đẳng đối với mọi người, mọi chúng sinh, thì hiếu hạnh trở thành hạnh nguyện của một Bồ Tát. Tại đây, người Phật tử chân chính không tìm thấy có một mâu thuẫn nào giữa các bổn phận đối với tự thân, đối với gia đình và đối với xã hội. Đây đúng là hạnh giải thoát.
* Phước báo của người con hiếu:
Bên cạnh lời dạy hiếu hạnh là hạnh tu căn bản của người Phật tử, Thế Tôn còn dạy rõ về phước báo của hiếu hạnh như một hình thức khích lệ gián tiếp:
“Thờ Mẹ Cha cho đúng pháp,
Buôn bán đúng thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang Thiên.”
(Suttanipàta, kệ số 401)
“Người nào theo thường pháp
Nuôi dưỡng và Mẹ Cha
Chính do công hạnh này
Đối với Mẹ và Cha,
Nhờ vậy bậc hiền thánh
Trong đời này tán thán
Sau khi chết được sanh
Hưởng an lạc chư thiên.”
(Tương Ưng I, tr. 225)
“Phụng dưỡng Mẹ và Cha
Là vận may tối thượng.”
(Mangalasuttam, Hạnh Phúc Kinh)
Qua các phần vừa trình bày ở trên, người Phật tử đã có thể có một nhận thức căn bản về chữ hiếu và đã có thể hình dung ra được những gì tự thân phải làm để đáp đền ơn nghĩa Mẹ Cha một cách đúng pháp, Cha Mẹ hiện tiền và Cha Mẹ của nhiều đời quá khứ.
Các hình thức dâng lễ, cầu Kinh Vu Lan, nghe thuyết giảng về hiếu… chỉ nhằm đến việc nhắc nhở các Phật tử nuôi dưỡng hiếu tâm và quay trở về đời sống hiện thực để thể hiện các bổn phận hiếu kính của mình đối với gia đình và xã hội. Truyền thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường nhắc nhở Phật tử báo đáp bốn ân nghĩa lớn:
– Ân Tam Bảo đã cho mình thân huệ mạng
– Ân Cha Mẹ đã sinh thành dưỡng dục
– Ân quốc gia, xứ sở đã cung cấp các tiện nghi của đời sống tri thức, an ninh và xã hội.
– Và ân Sư trưởng, thân bằng… đã là trợ duyên tốt cho mình.
Thực hành các bổn phận đáp đền ân nghĩa đó là ý nghĩa thiết thực nhất của người Phật tử trong việc cử hành ngày lễ Vu Lan báo hiếu vậy.