Tượng Trần Nhân Tông – Phật Hoàng Trần Nhân Tông
– Chất liệu đồng vàng thanh khiết
– Cao 20cm
***************
Đôi nét về Phật Hoàng: Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông tên thật là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, là năm Thượng hoàng Thái Tông đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về ông: “… được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thế chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng… Trên vai bên trái có nốt ruồi đen cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm… Vua nhân từ, hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song, để tâm nơi kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung dung của thánh nhân”. Nói về mục đích xuất gia lên núi Yên Tử đi tu của Trần Nhân Tông, trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên hanh của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746-1802) đã luận giải rất xác đáng: “Mọi người thấy Đức Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) là tổ thứ nhất khi ra ở chùa Yên Hoa thì cho ngay là Ngài xuất gia. Nhưng có biết đâu, đương lúc bấy giờ, Đức tổ biết lấy thiên hạ làm chung, gặp buổi nước nhà yên ổn song nước láng giềng ở ngay bên cạnh rất mạnh nên chưa được yên tâm, mà việc đó không thể nói ra, sợ lòng người dao động. Nhân thấy Yên Tử là ngọn núi cao phía đông nhòm mặt được tính Yên, tỉnh Quảng, phía bắc có thể trông tới Lạng Sơn, Lạng Giang, nên mới dựng tu viện, thường qua lại xem động tĩnh, khiến quân giặc ở ngoài không thể gây những việc đáng lo ngại. Đó mới thật là vô lượng, lực đại thế chí Bồ Tát…”
Nói đến nhân vật lịch sử Trần Nhân Tông là nói đến một người anh hùng cứu nước, một triết gia, một thi nhân lớn trong đời sống văn hóa, tư tưởng nước Việt Nam ta giai đoạn cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV. Khi còn là Thái tử, Trần Khâm đã được vua Thánh Tông gửi cho theo học Thiền với Thượng sĩ Tuệ Trung. Tuệ Trung chính là Tướng quân Trần Tung, từng hai phen cầm quân đánh giặc Nguyên Mông. Khi giặc tan, Trần Tung lui về Phong ấp Tịnh Bang học Thiền và ngộ đạo với Quốc sư Đại Tăng tức Thiền sư Tiêu Diêu. Và chính vua Trần Thánh Tông đã yêu kính tặng cho ông hiệu Thượng sĩ Tuệ Trung. Do vậy, Trần Nhân Tông sớm hoàn thiện một trí tuệ lớn, một tài năng và nhân cách lớn.
Thời gian Ngài ở ngôi vua, đã hai lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông vào năm 1285 và năm 1287. Trong hai lần kháng chiến oanh liệt, Trần Nhân Tông là ngọn cờ tiêu biểu của dân tộc, “cố kết nhân tâm”, lãnh đạo quân dân cả nước vượt qua mọi gian khổ hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng. Vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến năm 1285, khi quân giặc ồ ạt tiến công, Trần Nhân Tông đã viết lên đuôi thuyền chiến hai câu thơ đầy hào khí và lòng tin vào sức mạnh tiềm tàng của quân dân ta sẽ làm nên chiến thắng: “Cối Kê cựu sự quân tu ký/ Hoan Diễn do tồn thập vạn binh” (Bản dịch ĐV5KTT: “Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ/ Hoan Diễn còn kia chục vạn quân”). Hai câu thơ đó, đã đi vào lịch sử như một giá trị bất diệt trong sự nghiệp đánh giặc Nguyên Mông năm 1285, cùng bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải ca ngợi chiến công bình Nguyên mà Trần Nhân Tông là vị chủ soái: “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử Quan/ Thái bình tu trí lực/ Vạn cổ thử giang san” (bản dịch ĐVSKTT: “Bến Chương Dương cướp giáo/ Cửa Hàm Tử bắt thù/ Thái bình nên gắng sức/Non nước cũ muôn thu”).
Trong lịch sử văn hóa, lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông có một vị trí quan trọng. Người là một triết gia lớn, một thi sĩ sâu sắc của nước Việt ta. Thuở thiếu thời khi còn theo học Thượng sĩ Tuệ Trung, Trần Nhân Tông đã hỏi Thượng sĩ về bổn phận tông chỉ Thiền. Thượng sĩ Tuệ Trung đáp rằng: “Gốc của bổn phận Thiền là soi sáng lại chính mình, không từ bên ngoài mà được…”. Nghe qua Ngài đã thông suốt. Sau hai lần lãnh đạo dân tộc đánh thắng giặc Nguyên Mông, năm 35 tuổi Ngài nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông. Rồi năm 41 tuổi Ngài vào núi Yên Tử xuất gia, tu hành, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, trở thành tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Và, Ngài thực sự đứng đầu một Triết phái, là Triết phái Thiền Trúc Lâm. Với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, Phật giáo Việt Nam ta đã phát triển rực rỡ, đã thể hiện đầy đủ trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà mà người kiến tạo là Triết gia Trần Nhân Tông. Và Ngài đã kiến giải hầu hết những vấn đề triết học mà phật giáo đặt ra, như vấn đề tâm, Phật, vấn đề có, không; vấn đề sống, chết… Trần Nhân Tông cũng là con người của thực tiễn, nắm bắt được quy luật sinh tồn tự nhiên, nên đã rất chủ động, tâm huyết trong việc đào tạo thế hệ tiếp nối. Một lần đến Nam Sách, Ngài đã thu nhận Đồng Kiên Cương (1284-1330) làm học trò đặt cho tên là Thiện Lai, năm sau lại ban cho Pháp hiệu là Pháp Loa. Pháp Loa trở thành một trí thức lớn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã biên soạn những sách về Phật học có giá trị lớn, như Tham Thiền chỉ yếu, Phát nguyện văn và viết nên tác phẩm Đoạn sách lục nổi tiếng… Đến năm 1308, Trúc Lâm Đại Đầu Đà đã truyền pháp giới cho Thiền sư Pháp Loa làm tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Một trường hợp đáng kể nữa là, Thiền sư Huyền Quang (1254- 1334), sau là tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Ông tên thật là Trần Đạo Tái, người vùng Gia Lương Bắc Ninh ngày nay, năm 21 tuổi đã thi đỗ đại khoa. Theo sách Tam tổ hành trạng thì Trần Đạo Tái thi đỗ nhưng không chịu làm quan mà xin vua Trần cho vào núi tư hành, pháp hiệu là Huyền Quang. Huyền Quang được Trần Nhân Tông rất yêu mến, cho ở luôn bên mình để kèm cặp và giao cho soạn một số sách về Phật học như Chư phẩm kinh, Công văn tập và Thích khoa giáo. Trần Nhân Tông từng thốt lên khen: “Phàm các sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt chữ nào”. Dưới sự đào tạo của Trần Nhân Tông, Huyền Quang trở thành một trí thức uyên bác của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứng nhập sâu xa đạo pháp và là một bậc thầy tâm huyết trong giảng dạy Thiền học, có hàng ngàn môn sinh. Năm 1317, bị ốm nặng, Thiền sư Pháp Loa đã truyền Pháp giới cho Huyền Quang làm tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Lịch sử văn học Việt Nam cũng ghi nhận Huyền Quang là một nhà thơ lớn thời Trần, để lại cho đời những bài thơ câu thơ đẹp vào bậc nhất thơ ca Việt Nam xưa. Trong đó có bài phú Vịnh chùa Hoa Yên bất hủ, viết về vùng phúc địa Yên Tử.
Tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông có một đặc điểm nổi bật là tinh thần thực tiễn và rất táo bạo. Theo sách Tam tổ thực lục, có một học trò hỏi Điều Ngự Nhân Tông: “Luận thế nào là Phật?” Ngài trả lời: “Như cám dưới cối”. Lại một lần, học trò hỏi Trần Nhân Tông: “Lúc giết người không để mắt thì như thế nào?”. Ngài đáp: “Khắp toàn thân là can đảm”… Là người anh hùng, là triết gia, Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ có tâm hồn rộng lớn, phóng khoáng và có cái nhìn tinh tế, thanh tao. Những câu thơ trong bài Trăng thật đa cảm, cao nhã (bản dịch Hoàng Việt thi tuyển):
Bên song đèn rạng, sách đầy giương
Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương
Thức dậy riêng chày đà lặng ngắt
Trên chùm hoa mộc. nguyệt lồng gương
Ngoài vẻ đẹp tao nhã, thơ trần Nhân Tông còn phảng phất phong vị Thiền, gợi mở cho người đọc thấy thế giới tinh thần cao khiết. Đó là một giọng thơ thuần khiết và sâu thẳm… Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Sách Tam tổ hành trạng có ghi lại khá tỉ mỉ sự kiện này: Sáng ngày 1 tháng 2 bỗng thấy đêm quang, sao sáng nhà vua chợt hỏi Bảo Sá: “Bây giờ là giờ gì?” . Bảo Sá thưa: “Bây giờ là giờ Tý”. Nhà vua nghe, đoạn đưa tay ra cửa sổ, trông ra mà nói: “Đây là giờ của ta”. Bảo Sá liền hỏi: “Điều Ngự định đi nơi nào?”. Vua đáp: “Nhất thiết pháp không sinh, nhất thiết pháp không diệt. Nếu biết được thế, các Phật hiển hiện, còn có gì đi và đến?”. Nói dứt lời, Ngài liền phủ phục như hình con sư tử và tắt thở ngay tại sơn am. Pháp Loa vâng theo di chúc của Ngài, kính mang ngọc hài hỏa táng, lấy được hơn nghìn viên xá lị mang về triều. Vua Anh Tông, là con Ngài, đem một phần xá lị táng vào lăng Quy Đức, phủ Hưng Long (năm 1310), còn một phần để trấn ở tháp Vàng trên núi Yên Tử và sửa sang lại ngôi chùa ở núi, đặt tượng vàng đức Điều Ngự để thờ.
Đã bảy trăm năm qua, tên tuổi người anh hùng, triết gia, thi sĩ Trần Nhân Tông vẫn in đậm trong tâm trí người Việt Nam ta. Ông là một dấu mốc lớn trong lịch sử, văn hóa, tư tưởng nước Việt Nam, mãi mãi không phai mờ.